Giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh tại Cộng hòa Liên bang Đức
Căn cứ kế hoạch thực hiện nhiệm vụ KH&CN thuộc Chương trình KHGD cấp quốc gia “Giải pháp phân luồng học sinh sau trung học cơ sở”, mã số KHGD/16-20.ĐT002 do Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam chủ trì, Nhóm nghiên cứu đã có chương trình làm việc tại Cộng hòa Liên bang Đức để tìm hiểu thông tin về chính sách, các yếu tố ảnh hưởng đến việc thực hiện phân luồn học sinh sau THCS, công tác giáo dục hướng nghiệp trong nhà trường phổ thông; sự phối hợp của nhà trường, gia đình, đơn vị sử dụng lao động, cộng đồng trong việc giáo dục hướng nghiệp và thực hiện phân luồng HS sau THCS ở Cộng hòa Liên Bang Đức. Đoàn đã làm việc với trường Đại học Postdam, Tổ chức học thực hành Netzwerk Zukunft, trường Schule am Nuthetal Potsdam, Trung tâm đào tạo nghề phòng tiểu thủ công nghiệp Potdam, công ty visionYOU GmbH (hướng nghiệp sáng tạo), đại học Franziska Franke. Bài viết dưới đây là những chia sẻ của nhóm nghiên cứu đã rút ra được sau chuyến đi
Cộng hoà liên bang Đức là quốc gia với dân số 82.331.052 người (2018), có chế độ Liên bang, phân quyền, gồm 16 bang. Mỗi bang có một Bộ Giáo dục, hệ thống giáo dục và các Luật giáo dục riêng. Bộ Giáo dục và nghiên cứu liên bang, Hội nghị các bộ trưởng văn hoá giáo dục (KMK) và Uỷ ban Liên bang – Bang có nhiệm vụ đảm bảo sự thống nhất cần thiết. Trong 16 Bang của nước Đức, có 14 Bang thực hiện phân luồng từ lớp 4, còn 2 bang còn lại phân luồng từ lớp 6. Việc thực hiện phân luồng sớm dẫn đến tỉ lệ học sinh vào học đại học rất ít khoảng 40%, đa số học sinh vào học nghề. Lý do học sinh chọn học nghề là do trường nghề có chất lượng đào tạo tốt; thời gian học nghề ngắn hơn và học nghề cung cấp cho học sinh cơ hội nghề nghiệp và có việc làm cao.
Hình ảnh nhóm nghiên cứu trao đổi, học tập kinh nghiệm tại Trung tâm thực hành Netzwerk Zukunft – một dự án của tổ chức học thực hành Brandenburg (Bà Günther -Lãnh đạo trung tâm và bà Agnes Lemme, bà Ariane Kissel – Giáo viên thực hành)
1. Hệ thống giáo dục mở, liên thông tạo cơ hội học tập suốt đời
Từ cuối thế kỷ 19 cho đến nay ở CHLB Đức tồn tại một hệ thống nhà trường phổ thông phân hóa sớm ở cấp trung học cơ sở thành 3 luồng cơ bản.
– Ở Bậc tiểu học: Trường tiểu học gồm 4 lớp đầu tiên, ở bang Berlin và Brandenburg trường tiểu học có 6 lớp. Học sinh tiểu học học theo chương trình chung. Kết thúc bậc tiểu học thì học sinh sẽ nhận dược văn bản khuyến nghị của trường về hướng học lên theo các loại hình trường phổ thông ở bậc tiếp theo dựa trên thành tích học tập ở trường tiểu học.
Giai đoạn định hướng (Orientierungsstufe): bao gồm lớp 5 và 6, được xếp vào các trường ở bậc trung học cơ sở hoặc là độc lập với loại trường đó. Bậc định hướng nhằm hỗ trợ và định hướng học sinh cho quá trình học tiếp ở bậc trung học cở sở (trung học I).
– Ở Bậc trung học: bao gồm trung học I (trung học cơ sở, hết lớp 9 hoặc 10) và trung học II (trung học phổ thông, hết lớp 12 hoặc 13). Bắt đầu từ trung học cơ sở học sinh được phân luồng theo ba loại trường sau đây:
– Loại trường thứ nhất (Hauptschule): là trường định hướng học nghề, bắt buộc cho tất cả các học sinh kết thúc tiểu học có thành tích học tập thấp, không đủ vào các loại trường khác. Trường này kết thúc ở bậc trung học cơ sở với lớp 9, ở một số bang với lớp 10, truyền đạt kiến thức giáo dục phổ thông như là nền tảng cho giáo dục nghề nghiệp thực tiễn.
– Loại trường thứ hai (Realschule): định hướng học nghề đòi hỏi trình độ cao hơn, dành cho học sinh có trình độ trung bình, với các lớp từ 5 (hoặc 7) đến 10. Với bằng tốt nghiệp Realschule, học sinh có thể học nghề ở tất cả các nghề và cũng có quyền đi học trường trung học chuyên ngành (Fachoberschule), trung học nghề (Fachgymnasium). Môn học Lao động-Kinh tế-Kỹ thuật là một môn học quan trọng ở hai loại trường Hauptschule và Realschule.
– Loại trường thứ 3 (Gymnasium): định hướng học lên đại học, dành cho các học sinh khá, giỏi. Trước đây trường này kéo dài đến lớp 13, hiện nay xu hướng kết thúc ở lớp 12, trong đó bậc trung học cơ sơ từ lớp 5 (hoặc 7) đến lớp 10, trung học phổ thông lớp 11-12. Mỗi trường Gymnasium có thể có các trọng tâm đặc thù khác nhau như khoa học tự nhiện, khoa học xã hội, ngôn ngữ hay âm nhạc, thể thao. Bằng tốt nghiệp trường Gymnasium (Abitur) là bằng tú tài có quyền đăng ký học tại tất cả các trường đại học (Allgemeine Hochschulreife).
Ngoài ba loại trường phổ thông trên, còn có trường tích hợp (Gesamtschule): Trong trường này tích hợp cả ba luồng học sinh như đã nêu trên. Có sự phân biệt các trường Gesamtschule trong đó giờ học chung cho tất cả học sinh và các trường Gesamtschule trong đó có các lớp học khác nhau cho các luồng học sinh khác nhau trong cùng trường. Hiện nay đang có xu hướng tích hợp Hauptschule và Realschule.
Nghĩa vụ học phổ thông kéo dài 9 hoặc 10 năm đến trường tùy theo Bang. Nghĩa vụ học nghề tiếp theo là 3 năm, bắt đầu sau khi kết thúc nghĩa vụ đi học phổ thông nếu không học tiếp phổ thông.
– Đào tạo nghề được thực hiện trong ba hệ thống khác nhau là hệ thống chuyển đổi, hệ thống kép và hệ thống trường đào tạo nghề toàn thời gian.
(i) Hệ thống chuyển đổi (Übergangsystem): là năm đào tạo nghề cơ sở hay năm chuẩn bị nghề, dành cho một số học sinh đã kết thúc học phổ thông (kể cả học sinh không đạt được bằng tốt nghiệp) để chuẩn bị những điều kiện cho việc theo học ở hệ thống kép đào tạo nghề. Năm học chuẩn bị nghề này thường thực hiện trong các trường nghề.
(ii) Hệ thống kép đào tạo nghề (Duales System): hệ thống này được gọi là hệ thống kép (song hành) vì việc đào tạo được tiến hành tại hai địa điểm: học lý thuyết tại trường nghề và học thực hành tại xí nghiệp. Khác với giáo dục phổ thông, các quy chế đào tạo nghề được ban hành và quản lý thống nhất ở bình diện Liên bang. Trình độ đầu vào tối thiểu là kết thúc Hauptschule.
(iii) Hệ thống các trường nghề toàn thời gian: đào tạo nghề có thể khép kín trong một số loại trường nghề:
+ Trường trung học nghề (Beufsgymnasium/Fachgymnasium): là loại trường Gymnasium trong đó có đào tạo một nghề, điều kiện đầu vào là bằng tốt nghiệp Realschule hay một bằng tốt nghiệp tương đương. Sau 3 năm (lớp 11 đến 13) học sinh có được bằng tú tài. Cuối lớp 12 học sinh cũng có thể nhận được chứng nhận được quyền vào học các trường đại học khoa học ứng dụng (Fachhochschulreife). Học sinh tốt nghiệp cũng có thể học tiếp theo các hướng học nghề. Đây là loại trường giao thoa giữa giáo dục phổ thông và nghề nghiệp.
+ Trường trung học chuyên nghiệp (Fachoberschule): cũng là một hình thức trường đào tạo nghề đồng thời có bằng tốt nghiệp phổ thông, điều kiện đầu vào là bằng tốt nghiệp trường Realschule hay một bằng tương đương được công nhận. Bằng tốt nghiệp khi kết thúc lớp 12 được coi là hợp lệ để vào học các trường đại học khoa học ứng dụng. Nếu kéo dài đến lớp 13 có thể nhận bằng tú tài có quyền học tất cả các trường đại học.
+ Trường chuyên nghiệp nghề (Berufsfachschule): là các trường đào tạo nghề, học toàn thời gian. Điều kiện đầu vào là đã đáp ứng được nghĩa vụ học phổ thông mà không được đào tạo nghề trước đó. Có nhiều loại khóa học, trong đó có các khóa chuẩn bị nghề kéo dài một năm hay các khóa đào tạo nghề từ 2-3 năm. Có chương trình đào tạo để có thể nhận được bằng tốt nghiệp phổ thông đủ điều kiện vào các trường đại học khoa học ứng dụng bên cạnh bằng tốt nghiệp nghề theo mô hình nối tiếp (2 +1) hoặc tích hợp (3 năm).
+ Trường chuyên nghiệp (Fachschule): là hình thức trường bồi dưỡng nâng cao trình độ nghề, điều kiện đầu vào là sau kết thúc một khóa đào tạo nghề và trải qua kinh nghiệm thực tế. Chúng cung cấp sự đào tạo chuyên môn rộng trong nghề (ví dụ như trường thợ cả, trường kỹ thuật viên). Thời gian học từ nửa năm đến 3 năm, nếu học toàn bộ thời gian.
+ Viện nghề, đại học kép (Berufsakademie, duale Hochschule): có thể gọi là các đại học nghề, đây là sự giao thoa giữa đào tạo nghề và đào tạo đại học. Nội dung đào tạo gắn mạnh mẽ với thực hành. Hình thức đào tạo theo hệ thống kép, đào tạo lý thuyết ở trường và đào tạo thực hành ở doanh nghiệp. Bằng tốt nghiệp là bằng cử nhân đối với các chương trình đã kiểm định, tương đương với đại học khoa học ứng dụng.
– Giáo dục đại học được thực hiện trong hệ thống các trường đại học tổng hợp hoặc đại học chuyên ngành mang tính ứng dụng.
– Giáo dục thường xuyên (Weiterbildung) là sự đào tạo nâng cao hoặc bồi dưỡng chính quy hay không chính quy sau khi đã kết thúc một quá trình đào.
2. Vấn đề hướng nghiệp được qui định trong Hiến pháp của các Bang
Việc tự do lựa chọn nghề của HS được qui định trong Hiến pháp của các Bang. Học sinh có quyền tự do được lựa chọn nghề và nhà trường giúp học sinh tự xây dựng hình ảnh về nghề nghiệp để tự quyết định lựa chọn nghề, mang lại hạnh phúc cho bản thân mình. Các Bang đều có chiến lược hướng nghiệp với triết lý: chuẩn bị cho HS vào cuộc sống; Học sinh phải được làm quen với doanh nghiệp, môi trường xã hội và phải có một chút kinh nghiệm về nghề nghiệp. Tư tưởng cốt lõi của chiến lược này: Hướng nghiệp là nhiệm vụ xuyên môn trong nhà trường; thực hành sớm (từ lớp 7); định hướng cá nhân; gắn với thực hành tại doanh nghiệp. Quá trình chọn nghề của học sinh là quá trình kéo dài, bắt đầu từ tiểu học. Nội dung hướng nghiệp được quy định trong chương trình khung và được thực hiện ở tất cả các môn học, nhưng trọng tâm là môn Lao động – Kinh tế – Kỹ thuật.
Nhóm nghiên cứu làm việc với Hiệu trưởng và phó hiệu trưởng trường Schule am Nuthetal Potsdam
(một trường phổ thông dành cho học sinh khuyết tật có nhiều kinh nghiệm và thành tích trong công tác hướng nghiệp)
3. Tăng cường kết nối giữa nhà trường và doanh nghiệp trong hướng nghiệp cho HS
Hiện nay, ở CHLB Đức đang thực hiện Dự án “Mạng lưới tương lai” do Bộ Khoa học nghiên cứu của Đức tài trợ, phân cấp cho cơ sở điều phối kết nối giữa nhà trường và các doanh nghiệp nhằm tổ chức cho HS học thực tiễn, kết nối doanh nghiệp với trường học và kết nối học sinh với doanh nghiệp. Học thực tiễn là phần bắt buộc trong chương trình của nhà trường, được diễn ra bên ngoài nhà trường, Thời gian học thực tiễn ở xí nghiệp được kéo dài ít nhất 25 giờ học cho đến hai năm và có ít nhất ba môn học tham gia. Kết quả học thực tiễn được sử dụng để thuyết minh và làm minh chứng trong hồ sơ chọn nghề. Địa điểm thực hiện học thực tiễn có thể là xí nghiệp khu vực, cơ sở đào tạo nghề, cơ sở văn hoá xã hôi, cơ sở công cộng.
4. Tăng cường vai trò của các trung tâm đào tạo nghề trong giáo dục hướng nghiệp.
Trung tâm đào tạo nghề là nơi tổ chức dạy học thực tiễn cho học sinh, bồi dưỡng giáo viên và đào tạo nghề, góp phần đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực và đánh thức hứng thú của thanh niên với các nghề. Trung tâm thực hiện tư vấn về việc tổ chức dạy học thực tiễn; Chịu trách nhiệm pháp lý cho HS thực tập tại cơ sở dạy nghề; Tổ chức các khoá học thực tiễn cho học sinh theo nhu cầu.
5. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục hướng nghiệp
Nhà nước tài trợ cho các công ty về công nghệ thông tin tham gia hướng nghiệp cho HS thông qua các dự án. Công ty „Vision – You“ là một ví dụ. Công ty này có 2 nhiệm vụ là cung cấp cho giáo viên các kế hoạch dạy học, bồi dưỡng về E-Learning và tổ chức gặp gỡ giữa HS với doanh nghiệp và cung cấp thông tin về doanh nghiệp. Tại các trường tiểu học, trung học và dạy nghề, tổ chức các Tuần dự án đa phương tiện theo các chủ đề: hướng nghiệp; Đào tạo phương tiện truyền thông và sản xuất phim; Mã hoá và người máy; huấn luyện xin việc và trung tâm đánh giá; Doanh nhân.
6. Trung tâm thông tin nghề nghiệp cung cấp thông tin về nghề nghiệp, thị trường lao động và việc làm cho người lao động và hướng nghiệp cho học sinh phổ thông
Tất cả các Bang của CHLB Đức đều có trung tâm thông tin nghề nghiệp được trang bị cơ sở vật chất rất hiện đại. Đây là nơi lưu trữ và cung cấp thông tin về nghề nghiệp, cầu nối giữa nhà trường với doanh nghiệp/xí nghiệp, giữa người lao động với doanh nghiệp/xí nghiệp. Trung tâm có nhiệm vụ phối hợp với nhà trường phổ thông tổ chức các hoạt động hướng nghiệp cho học sinh từ lớp 8, tư vấn cho học sinh tìm nghề và chọn ngành học đại học phù hợp với sở trường và năng lực của mình.
PGS.TS Đỗ Thị Bích Loan – GS.TS Trần Công Phong (Đơn vị chủ trì: Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam)